Hình dạng phôi thép bỗng thành chuyện

Xuất phát điểm của câu chuyện hình dạng phôi thép là văn bản của Tổng cục Hải quan gửi Cục hải quan các thành phối hồi trung tuần tháng 11-2014, yêu cầu rà soát các doanh nghiệp nhập khẩu phôi thép. Tổng cục Hải quan đề nghị doanh nghiệp phải khai báo mặt hàng thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm, có chiều rộng nhỏ hơn hai lần chiều dày, hàm lượng carbon dưới 0,25%, mặt cắt ngang hình vuông, đơn giản gọi là phôi vuông, phải áp mã số thuế 7207.11.00 (gọi tắt là mã 11.00). Mức thuế đối với mã này là  9%, theo Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi hiện hành

Sở dĩ Tổng cục Hải quan phải mô tả lại hình dạng phôi thép (billet) vì theo kết quả kiểm tra, tra cứu trên hệ thống thống kê phân loại hàng hóa tại tổng cục, có tình trạng doanh nghiệp khai báo mặt hàng phôi thép mặt cắt ngang hình vuông theo mã số 7207.19.00 (gọi tắt là mã 19.00). Mã này dùng để kê khai cho phôi thép loại khác, chỉ chịu mức thuế 5%, theo biểu thuế Hiệp định thuế quan ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) 2012-2014, nếu phôi được nhập từ Trung Quốc hoặc các nước ASEAN.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2014, tổng lượng nhập khẩu phôi thép các loại vào Việt Nam là 324 ngàn tấn, trong đó 87,1% nhập từ Trung Quốc. Phần còn lại là phôi nhập từ các thị trường khác, chủ yếu từ Nhật Bản. Phôi nhập từ Nhật Bản thì không được áp thuế 5%. Hải quan bóc tách được, trong số 283 ngàn tấn phôi nhập từ Trung Quốc, có 253 ngàn tấn kê khai mã số thuế hưởng thuế 5% và 40 ngàn tấn kê mã nộp thuế 9%.

Các doanh nghiệp chỉ kê khai mã để nộp thuế 9% sau khi có văn bản nói trên của Tổng cục Hải quan. Mức chênh lệch giữa việc nộp thuế 5% và nộp thuế 9% của 253 ngàn tấn thép nhập từ Trung Quốc tính ra khoảng 102 tỉ đồng (tương ứng với 4% số thuế nhập khẩu nếu phải nộp thêm trong trường hợp kê khai là chữ nhật, phôi vuông).

Một số doanh nghiệp nhập khẩu đã không đồng tình với lý do áp mã số thuế 9%, họ sợ bị truy thu hàng trăm tỉ đồng tiền thuế từ những năm trước vì Cục hải quan tại các cửa khẩu đã yêu cầu các doanh nghiệp thông quan hàng hóa trước thời điểm công văn này kê khai lại.

Một số doanh  nghiệp như Công ty cổ phần thép Việt Đức, Công ty cổ phần thép Thái Hưng, công ty TNHH thép VSC-POSCO…ký đơn gửi Tổng cục Hải quan cho rằng, việc kê khai theo mã hưởng thuế 5% đã được thực hiện một số năm gần đây. Hơn nữa, do không có tiêu chuẩn tuyệt đối nên khó có thể gọi chính xác thế nào là phôi chữ nhật, phôi vuông (mã 11.00).  Có loại phôi không hẳn vuông 100% (mà có góc bo tròn).

Nói khác đi, doanh nghiệp không muốn loại phôi vuông đang được kê khai thuế 5% bị đẩy lên mức 9%. Họ cho rằng, với ngành thép, chi phí đầu vào rất lớn, trong đó chi phí cho phôi chiếm đến 90% tổng chi phí, thì chỉ cần tăng mức thuế 1% đã làm doanh nghiệp điêu đứng, chưa nói đến việc tăng thuế từ 5% lên 9%.

Thực ra, Biểu thuế nhập khẩu ACFTA được áp dụng cho Hải quan các nước Đông Nam Á, không riêng gì Việt Nam, đều  diễn giải về mã hàng hóa, phân loại như hai biểu thuế trên. Các doanh nghiệp vẫn muốn áp mức thuế nhập phôi vuông vào “loại khác”, nên hướng cuộc tranh luận với hải quan theo hướng hình dạng của thép.

Sa lầy thì thất thu thuế

 

Nếu cơ quan hải quan sa lầy vào các cuộc tranh cãi với doanh nghiệp về hình dạng phôi thép thì ngân sách nhà nước có thể thất thu khoảng 100 tỉ đồng/năm.

 

Vấn đề ở chỗ, hiện các doanh nghiệp trong nước chỉ nhập khẩu về Việt Nam hai loại phôi chủ yếu  là phôi chữ nhật và phôi vuông. Loại nào cũng chỉ là nguyên liệu dạng bán thành phẩm, dùng để cán ra thành phẩm là thép xây dựng.

Không có doanh nghiệp nhập loại phôi khác (như phôi dẹt, hay phôi cán phá) dùng để chế tạo ra các loại thép tấm, lá hay thép hình kích thước lớn. Các loại thép chất lượng cao này đến nay Việt Nam đều phải nhập thành phẩm là chính.

Tuy nhiên, để khách quan, tránh áp đặt, hôm 16-1-2015, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cũng gửi văn bản sang Hiệp hội thép Việt Nam, đề nghị hiệp hội phân định xem trên thực tế, có loại phôi có mặt cắt ngang chính xác 100% vuông hay 100% chữ nhật với các góc tuyệt đối chính xác về nhận dạng hình học hay không, hay kỹ thuật sản xuất,  công nghệ gia công ở các nơi khác nhau cho ra các hình dạng có sai lệch nhưng vẫn trong giới hạn kỹ thuật mà người sử dụng chấp nhận.

Trả lời văn bản của Tổng cục Hải quan, hôm 23-1, Hiệp hội Thép chỉ ra ba loại phôi, trong đó có phôi vuông, có diện tích ngang là hình vuông có các cạnh kích cỡ giống nhau nhưng chiều dài khác nhau hoặc theo thỏa thuận của khách hàng. Loại này dùng để cán ra thép xây dựng và thép hình nhỏ. Hai loại phôi khác dùng để cán thép chất lượng cao thì nước ta không nhập.

Hiệp hội nhấn mạnh rằng trên thực tế không có loại phôi thép có mặt cắt ngang là hình vuông hay hình chữ nhật có các góc tuyệt đối như định nghĩa hình học. Các kích thước đều có dung sai, nhất là khi chỉ được mua về dùng làm nguyên liệu để cán thành phẩm.

Số lượng phôi vuông nhập về Việt Nam không phải là quá lớn so với năng lực sản xuất phôi trong nước (tổng nguồn cung của 26 nhà máy phôi năm 2014 khoảng 9 triệu tấn nhưng thực tế sản xuất chỉ bằng 60% công suất). Song nếu chính sách thuế quan không diễn giải rõ ràng, sa lầy vào các cuộc tranh luận với doanh nghiệp về hình dạng, tiêu chuẩn và áp thuế các nhà nhập khẩu khác nhau trong khi mục đích sử dụng giống nhau thì ngân sách nhà nước có thể thất thu khoảng 100 tỉ/năm.

Nguồn tin: Kinh tế sài gòn

Share →