Cầu tiêu thụ vẫn chưa phục hồi

 

Trong cả 4 tháng đầu năm 2014, cho dù kinh tế trong nước và ngoài nước tiếp tục có xu hướng khởi sắc, nhưng hy vọng của các DN ngành thép vẫn không nhiều, ngay cả trong mùa xây dựng.

 

Qua khảo sát tại thị trường khu vực phía bắc và phía nam, lượng tiêu thụ tháng 4/2014 của hầu hết các nhà máy sản xuất thép, nhất là thép xây dựng, đều thấp hơn so tháng 3. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ thép của xã hội chưa thật sự hồi phục, lượng thép tồn kho gối đầu từ tháng 3 chuyển sang của các DN thuwong mại còn nhiều. Hơn thế, từ ngày 1/4/2014, Bộ Giao thông Vận tải đang kiểm soát chặt chẽ tình trạng xe quá tải và hoạt động đăng kiểm, nên năng lực dịch vụ vận tải đang bị quá tải. Theo phản ánh của nhiều DN thép, giá thành vận tải đã… tăng gần gấp 2 lần.

 

Về giá cả, thị trường có diễn biến trái chiều, tại khu vực phía bắc, giá bán ra bình quân từ nguồn đã tăng từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/tấn so mức giá của tháng 3/2014. Trong khi tại khu vực phía nam, giá bán ra bình quân tại nguồn lại giảm từ 50.000 đồng đến 150.000 đồng/tấn.

 

Tại thời điểm 1/4/2014, theo Bộ Công thương, chỉ số tồn kho của toàn ngành sản xuất sắt, thép, gang tăng 33,9%… Trong khi, lượng thép cán ước đạt 316.700 tấn, tăng 24,3% so cùng kỳ năm 2013; lượng thép thanh, thép góc ước đạt 332.800 tấn, tăng 12,6% so cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, nhập khẩu thép các loại giảm 1,6% về lượng, giảm 7,6% về trị giá, tuy nhiên, sản phẩm từ thép tăng 9,2% về trị giá.

 

Để duy trì thị phần, thúc đẩy lượng tiêu thụ trong tình hình cạnh tranh gay gắt, hầu hết các nhà sản xuất đều lựa chọn chính sách giảm giá gián tiếp thông qua việc tăng mức hỗ trợ vận chuyển cho khách hàng. Việc này sẽ tiếp tục làm hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các DN thép khó được cải thiện.

 

Theo Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) Hồ Nghĩa Dũng, khó khăn của ngành thép có đặc thù riêng của một ngành kinh tế kỹ thuật, nhưng lại nằm trong khó khăn chung của nền kinh tế đất nước và đặc biệt có liên quan đến nhiều ngành kinh tế kỹ thuật sử dụng thép. Một số nguyên nhân có thể kể đến như sự đóng băng của thị trường bất động sản, sự phát triển chậm của thị trường xây dựng và ngành công nghiệp cơ khí, đóng tàu, là những ngành sử dụng nhiều thép. Cùng với đó là sự tăng trưởng thấp trong phát triển kết cấu hạ tầng. Nút thắt chính nằm ở vấn đề mất cân đối lớn của thị trường, giữa quan hệ cung và cầu đối với ngành thép. Đầu năm 2014, VSA đưa ra mức dự báo tiêu thụ toàn ngành thép năm nay chỉ đạt 12,2 – 12,5 triệu tấn với mức tăng 3 – 5% so năm 2013.

 

Mặt khác, thị trường thép xây dựng cũng đứng trước áp lực tăng cung khi nhà máy mới của các nhà đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động như Posco, Vinakyoe. Giai đoạn II Khu liên hiệp gang thép của Hòa Phát cũng đi vào hoạt động và tập đoàn này với lợi thế giá rẻ đang đẩy mạnh tiêu thụ hàng vào thị trường phía nam. Chi phí đầu vào tăng cũng đang là áp lực với DN thép xây dựng.

 

Khó trên mọi phân khúc

 

Một vài đơn hàng mua tôn thép từ các đối tác châu Âu và Mỹ đã đến với các DN Việt Nam. Hy vọng, nhu cầu đặt hàng mặt hàng tôn thép từ thị trường này sẽ giúp các DN thoát khó khăn, khi thị trường trong nước cũng như xuất khẩu truyền thống đều đang rất khó khăn.

 

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Thiên Lộc (ĐTL) Nguyễn Thanh Nghĩa cho biết, ĐTL đã nhận được đơn đặt hàng thử nghiệm từ khách hàng châu Âu để kiểm tra chất lượng tôn thép của Việt Nam. Lý do là thị trường châu Âu chuẩn bị áp thuế bán phá giá với tôn thép nhập khẩu từ các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. Đơn hàng từ các thị trường này khá lớn, nên nếu được thị trường châu Âu chấp nhận thì đây sẽ là cơ hội mới. Còn hiện tại, tình hình kinh doanh đang quá ảm đạm.

 

Thị trường thép trong nước vẫn không có nhiều thay đổi, do sức cạnh tranh lớn. Các DN có thị phần tôn thép lớn như: Hoa Sen, ĐTL, Nam Kim… đều đã hoàn thành đầu tư nâng công suất cán và mạ lên cao hơn. Đặc biệt, liên doanh thép giữa China Steel và Nippon Steel mới đi vào hoạt động đang đẩy một lượng hàng lớn ra thị trường, cạnh tranh với các DN trong nước. Hàng Trung Quốc giá rẻ vẫn vào thị trường trong nước với lợi thế không thuế suất, trong khi DN trong nước nhập các nguyên liệu đầu vào như sơn, xăng dầu, thép nguyên liệu đều phải chịu thuế.

 

Về vấn đề này, ông Hồ Nghĩa Dũng khẳng định, đây không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam, mà thực chất diễn ra rất gay gắt tại thị trường các nước Đông – Nam Á. Trung Quốc hiện là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, chiếm 48% sản lượng thép của thế giới. Năm 2013, theo thống kê, Trung Quốc sản xuất khoảng 780 triệu tấn trên năng lực sản xuất là 1,3 tỷ tấn. Như vậy, Trung Quốc đang phải đối mặt với sự mất cân đối giữa cung và cầu tại thị trường nội địa, từ đó phải tìm cách xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là các nước khu vực, trong đó có Việt Nam là nước nằm ngay cạnh rất thuận lợi cho việc vận chuyển. Để thâm nhập vào các nước trong khu vực ASEAN, thép Trung Quốc sẽ hạ giá đủ để cạnh tranh với thép nội địa của các nước trong khu vực.

 

Cạnh tranh lớn ở thị trường trong nước đang buộc các DN trong ngành thép tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu. Để giữ sản lượng xuất khẩu, các DN trong nước cũng phải cạnh tranh về giá. Tại thị trường Indonesia, thị trường lớn của nhiều DN, do nền kinh tế khó khăn, nên giá thép nhập khẩu bị ép giảm xuống, không còn giữ được mức hấp dẫn như trước. Thậm chí, hàng Việt Nam chỉ xuất được nếu bán bằng giá hàng Trung Quốc. Tại các thị trường khác trong khu vực, dù hàng Trung Quốc bị áp thuế bán phá giá 2,5% nhưng điều này cũng chưa đủ sức giúp hàng Việt Nam chiếm lợi thế. Vì thế, DN trong nước vẫn xuất khẩu được nhưng giá và sản lượng giảm. Thị trường Bangladesh và Nam Phi, sản lượng xuất khẩu tăng hơn năm 2013 nhưng không nhiều.

 

Chủ tịch HĐQT Công ty SMC Nguyễn Ngọc Anh cho biết, giá nguyên liệu của tôn thép là thép cán nóng và cán nguội hiện nay đang có xu hướng giảm. Lý do các DN Trung Quốc đang đẩy mạnh tiêu thụ vì thị trường nội địa cũng khó khăn. Giá thép nguyên liệu có xu hướng giảm, mà đầu ra lại khó khăn, nên DN thép khá vất vả trong việc tính toán nhập khẩu nguyên liệu, bởi rất dễ thua lỗ ngay khi vừa nhập hàng.

 

Theo tính toán của ông Nguyễn Ngọc Anh, chi phí vận tải tăng sẽ làm tăng khoảng 1% giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, khách hàng tiêu thụ thép vẫn chưa chấp nhận việc tăng giá thép, nên các DN phân phối, nhà sản xuất vẫn phải gánh chi phí tăng thêm này và lợi nhuận sẽ bị sụt giảm. Tình hình tiêu thụ các mặt hàng thép trong quý II đã tăng so quý I là mùa Tết, nhưng thị trường thép xây dựng cũng chuẩn bị bước vào mùa thấp điểm tiêu thụ là mùa mưa. Kết quả kinh doanh quý II sẽ phản ánh rõ ràng hơn tác động của những khó khăn trên thị trường đến từng DN.

 

Tạo sự lành mạnh cho thị trường thép

 

Theo thống kê của Viện Gang thép Đông – Nam Á, Việt Nam hiện là nước có các dự án thép mới lớn nhất trong khu vực ASEAN, với hơn 30 dự án. Nghịch lý là khi thị trường thép đã bão hòa mà các nhà đầu tư vẫn đổ nguồn vốn vào. Bởi lẽ, họ nhận định những khó khăn hiện tại là tạm thời, trong tương lai thị trường thép vẫn còn nhiều kỳ vọng. Hiện tại, mức tiêu thụ thép tính trên đầu người của Việt Nam mới là 140kg/đầu người so với mức bình quân của thế giới là 240kg/đầu người, và một nước trong khu vực ASEAN là Thái Lan, có mức tiêu thụ bình quân thép là 270kg/đầu người. Như vậy, theo tính toán mức tiêu thụ thép của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Mặc khác, các nhà đầu tư cũng lựa chọn những sản phẩm thép mà hiện tại ở Việt Nam chưa có, như sản phẩm thép dẹt, phôi thép… Riêng sản phẩm thép dẹt hiện nay mỗi năm nước ta phải nhập khẩu từ 5 – 7 triệu tấn.

 

Ông Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, trong khó khăn chung của ngành thép, vẫn có nhiều DN thép vươn lên hoạt động tốt, như Tôn Hoa Sen, Liên doanh thép Việt – Úc, Việt – Nhật, thép Hòa Phát… Đây chính là những DN đã đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Các DN thép hiện nay là cần tổ chức lại thị trường, tái cơ cấu sản xuất để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho DN. VSA đã kiến nghị Chính phủ về việc phát triển mạnh mẽ thị trường bất động sản, thị trường xây dựng, thị trường cơ khí chế tạo sử dụng nhiều thép. Khi Chính phủ thực hiện thành công nhưng giải pháp này chính là tạo ra cơ hội tốt cho thị trường thép phát triển. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập cần có những giải pháp về hàng rào kỹ thuật hợp pháp, hợp lý để bảo vệ sản xuất trong nước và khuyến khích sản xuất, chống gian lận thương mại trong quan hệ mua bán đối với các DN nước ngoài, qua đó tạo ra sự lành mạnh cho thị trường thép.

Replica Breitling navitimer

Share →